Bài thơ: “Đàn Oán Cung Sầu“ tôi sáng tác cảm xúc có được
nhờ bởi tại lời nhạc của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, bởi giọng ca tiếng đàn của các
nam nữ ca sĩ và nhạc công.
Thơ cảm xúc là cả một thế giới tâm hồn tinh thần trí
tuệ bao la, như trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của một cô gái, trước vẻ đẹp thiên nhiên
hùng vĩ v.v...Thi sĩ Lý Thái Bạch cách đây khoảng 1256 năm trước sắc đẹp lộng lẫy
quý phái đài trang của nàng Dương Qúy Phi trong vườn hoa đào mà cảm tác ra bài
thơ Thanh Bình Điệu:
“Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm, lộ hoa nùng
Nhược phi quần ngọc sơn đầu kiến,
Hội hướng giao đài nguyệt hạ phùng “
Dịch là :
“Mây vờn như áo, hoa như mặt
Sương đượm hơi xuân, lướt bóng hoa.
Quần ngọc đầu non bằng chẳng thấy,
Cung giao ngỡ tưởng bóng trăng tà “
Rõ ràng đây là thơ cảm tác, trạng thái tình cảm manh nha từ
cảm hứng, trên cảm hứng là cảm xúc. Tức cảnh sinh tình mà làm thơ tức là cảm
tác, thể loại này rất hay dùng ở thơ đường luật. Thơ đường luật vốn nghiêm túc
cao ngạo nặng về tư duy trí tuệ, nhưng đường luật mà lãng mạn si tình tôi thấy
chỉ có thơ bà Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Bạch Cư Dị.
Cảm xúc nhất định phải từ con người lan tỏa sang con người.
Thơ cảm xúc khác hẳn với thơ dịch và thơ họa lại theo vần. Vào thời chiến tranh
các ông thi sĩ cách mạng nặng về quan điểm chính trị, cảm xúc khô khan cằn cỗi
nên các vị ấy phải khăn gói quả mướp đeo ba lô chống gậy đi thực tế để có tí ti
cảm xúc, cảm hứng èo uột mà làm thơ tuyên truyền. Anh chàng Robinson sống trên
hoang đảo hàng chục năm thiếu bóng dáng con người hay anh chàng bộ đội lạc vào
rừng sâu ăn nằm với con đười ươi cái hàng chục năm cũng không thể có cảm xúc mà
làm thơ.
Đọc một bài thơ, nghe một bài hát mà sáng tác ra thơ như
tôi mà nội dung không giống như nguyên tác bản gốc thì gọi là thơ cảm xúc.
Từ bài lục bát của ai đó mà ta viết sang song thất lục bát
hay 8 chữ, 5 chữ là thơ chuyển thể. Nếu nội dung ý thơ không giống như nguyên
tác thì gọi là chuyển thể và cảm xúc.
Bản nhạc của Mặc Thế Nhân các bạn có thể tìm trên mạng
Internet: “Một Lần Yêu Một Lần Sầu”. Bài hát này hay lắm nghe rất lâm ly thú vị,
cảm động vô cùng. Cứ nghe đi thì biết, tôi nói có đúng không? Xin đừng cho là
tôi tuyên truyền quảng cáo tâng bốc nhạc sĩ Mặc Thế Nhân.
“Đàn thơ oán cung sầu đau khổ
Con thuyền đời sóng vỗ dần xa
Mỗi lần ngắm mảnh trăng ngà
Chòm mây dang dở la đà trôi đâu?“
Người buồn cảnh có vui đâu, ngày xưa nàng Chiêu Quân trên
đường đi cống Hồ, nàng Vương Thúy Kiều cô đơn bạc mệnh ở lầu Ngưng Bich đều
dùng cây đàn tỳ bà để gảy lên những khúc sầu bi, ai oán khổ đau. Chúng ta hãy đọc
những câu thơ Cụ Nguyễn Du miêu tả, có giống tâm trạng, cảnh giới thơ của tôi
không?
“Buồn trông cửa bề chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?“
hay là:
“Buồn trông ngọn cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.“
hoặc là:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.“
Con thuyền, trăng ngà, chòm mây là những cảnh vật biểu tượng
hiện sinh của nỗi buồn cung đàn ai oán vần thơ, mảnh trăng cô đơn lạnh lẽo quạnh
hiu trên bâu trời, con thuyền lênh đênh vô định ví như cuộc đời con ngươi ta,
như bèo dạt mây trôi la đà lang thang không xứ sở bến bờ nào.
“Dòng sông ái bể dâu thời cuộc
Khóc ve sầu tiếng cuốc bi thương
Bước chân lầm lũi tha phương
Gánh tình nặng trĩu cố hương tủi hờn“
Dòng sông ái tình, bãi bể nương dâu, thời cuộc biến đổi,
xã hội nhân tình thế thái thay đổi, lúc ấm lúc lạnh chạy theo tiếng gọi của đồng
tiền, nền móng đạo đức bị đảo ngược, truyền thống nhân bản cội nguồn bị lật
nhào cũng là những nguyên nhân sinh ra khổ đau, bạc tình bạc nghĩa, vô ơn bội
tín, không nói là lừa đảo lường gạt gia tăng. Tác giả lấy hình tượng ve sầu
khóc, tiếng chim cuốc khắc khoải bi thương ảo não là để gián tiếp nhân cách hóa
tả nhưng mối tình tan vỡ, tình yêu nam nữ, vợ chồng ly tán, chia đàn sẻ nghé,
con cái bơ vơ, lầm lũi tha phương nơi đất khách quê người vì tự do miếng ăn, đời
sống và tính mạng thật là thê thảm. Ra đi mà vẫn nặng trĩu gánh tình trên đôi
vai gày guộc xác xơ bơ phờ mệt mỏi chán chường, hành trang là một tâm trạng nhục
nhã tủi hờn cô đơn…
“Khơi chuyện cũ chập chờn cánh bướm
Bóng tà dương thấm đượm hơi sương
Ngọn đèn leo lắt thê lương
Năm canh khắc khoải đoạn trường biệt ly“
Người ở kẻ đi, chân trời góc biển biết bao giờ gặp lại? Kẻ
ra đi lo toan làm ăn buôn bán học hành đỗ đạt mong muốn trở nên giàu có, nhà cửa
khang trang, xe hơi bóng lộn, đầy đủ tiện nghi, bảo hiểm y tế v. v… Kẻ ở nhà
xoay sở vật lộn, tắm nắng gội mưa, da mặt đen nhẻm rạn nứt chân chim, má hồng
tàn phai. ngày hai bữa ăn, vặt mũi không đủ đút miệng, chưa nói thành phần lý lịch
có vấn đề, dù có tài cũng không được trong dụng. Buồn rầu mà tìm trong trang nhật
ký bóng dáng người tình quân xưa từng là thiên thần mũ đỏ, đi ra ngoài phố nhiều
cô nhìn đến nổ con ngươi, hay thám báo rằn ri hùm xám trâu điên mã thượng một
thời, oai phong lẫm liệt thủy quân lục chiến v. v… Than ôi đóa hoa đả héo tàn,
cánh bướm chỉ còn là chập chờn hư ảo, hư không.
Bóng tà dương không còn là hoàng hôn màu tím, đồi tím hoa
sim, giàn hoa tigon thấm máu trái tim yêu thương. Sương rơi đầu ngõ ngọn đèn
leo lắt dưới mái nhà tranh thê lương với phiến sầu thiếu phụ. Đêm năm canh ngày
sáu khắc, vào ra tựa cửa, mạch tương ứa trào đoạn trường biệt ly.
“Ngày xưa đó cầm kỳ thi họa
Góc sân trường nhặt đóa phượng rơi
Điệu hò mái đẩy lả lơi
Trái tim xao động nụ cười xinh tươi“
Cầm kỳ thi họa chỉ bốn thứ tài năng của con người, nhất là
phụ nữ, cần phải có tức là giỏi đàn, đánh cờ, làm thơ, và vẽ giỏi.
Người thiếu phụ tôi mô tả trong thơ là bậc tài hoa thuyền
quyên thục nữ, con nhà gia giáo từng là nữ sinh trường Đồng Khánh, Gia Long hay
Công Tằng Tôn Nữ đài các lầu hoa. Tình yêu của nàng chớm nở từ góc sân trường
thẹn thùng khó nói nên lời mắt huyền long lanh kiều diễm với chàng trai ngực nở
vai thăng bằng nhìn cô nàng âu yếm. Họ nhặt cánh hoa phượng rơi trao tặng cho
nhau và hẹn hò ở bến sông Hương, kẻ chèo người hát sóng vỗ lăn tăn mạn thuyền
thật là tình tứ ngọt ngào lả lơi…Đôi trái tim cùng nhịp đập cộng hưởng, lửa
lòng nhen nhóm từ từ như găp rơm cỏ khô mà ngùn ngụt bốc cháy như cánh đồng xứ
Mexico phương trời xa xôi. Nụ cười xinh tươi ngày xưa giờ cũng xa xôi theo gót
chân chàng về chân trời Nam Mỹ hay Bắc MỸ, Canada…
“Làm sao biết chân trời cuối bể
Em nhớ anh giọt lệ đài trang
Mưa phùn gió bấc phũ phàng
Mảnh mai nhành liễu mơ màng hồn côi“
Tình yêu đôi ta ngày xưa đẹp như thế đó, thật là tao nhân
mặc khách, thanh mai trúc mã, cả hai đều có trình độ học vấn văn chương, không
phải tầm thường như Chí Phèo và Thị Nở, chỉ cần một bát cháo hành, vật nhau ra
đè lên nhau ở bụi chuối là xong. Thế mà bây giờ anh ở đâu, phiêu bạt chân trời
nào? Anh có khỏe không, sống có tốt không? Em buồn nhớ anh lắm, giọt lệ đài
trang, thu thủy tuôn hoài. Ngoài kia gió bấc mưa phùn, rặng liễu thanh thanh
tàn lụi phũ phàng muộn màng hoài mộng đơn côi, hồn trinh như hồ điệp lang thang
không nơi nương tựa gửi gắm ân tình, lòng đau dạ xót lắm anh ơi!
“Càng nức nở nổi trôi bèo bọt
Khách má hồng theo gót chân nhau
Bụi trần phủ lấp vàng thau
Trời già cay nghiệt trầu cau vôi nồng.“
Bốn câu song thất lục bát kết thúc này là tiếng thở dài ai
oán não nùng của thân phận con người, có phải là do xã hội thời cuộc đưa đấy đọa
đầy, hay tự con người ta kém khôn ngoan thiếu đức tài, thiếu hiểu biết mà ra?
Nói như Cụ Nguyễn Du đổ cho định mệnh là không đúng:
“Trăm năm trong cõi ngươi ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
Thời Cụ Nguyễn Du chưa có triết học khám phá ra bản chất của
tinh thần, tâm linh, chán ghét, thù hận khổ đau; chưa nhìn thấy nguyên nhân bản
chất sâu xa mà chỉ nhìn thấy hiện tượng bên ngoài:
“ Người nách thước kẻ tay dao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như soi”
Ai là kẻ nuôi dưỡng, dung dưỡng, bao che khuyến khích tụi
sai nha quan lại làm càn thì không dám tố cáo.
Kiếp con người thời nào cũng như bọt bèo, mạng sống không
đáng giá, ngoại trừ các nước dân chủ phương Tây còn tôn trọng quyền đươc sống
được làm việc, được mưu cầu hạnh phúc theo nỗ lực tài năng của mình. Không phải
chữ tài liền với chữ tai một vần.
Than ôi! Khách má hồng chị em theo gót chân nhau, vàng
thau không phân biệt nổi, tốt xấu như nhau ù xọe cả làng, cá mè một lứa ai cùng
như ai người ta bảo đó la bình đẳng tuyệt đối cần đi tới thiên đàng tự sướng.
9.5.2018 Lu Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét