Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Âm Dương Cách Trở Cõi Sầu Biệt Ly





Bình thơ Giang Hoa và Lu Hà


Ngày Giỗ Chồng ...

Ngày nao tháng cũ thọ khăn chồng
Mộ đá bây giờ đã phủ rong
Nguyệt tuế hờn ai hồn đẫm tủi
Trời khiên giận kẻ thắm đau lòng
Nghiêng bầu hận tiếng cung trầm uẩn

Cạn tửu oan tình nghĩa sắc vong
Gối lẻ hoang phòng rưng mắt lệ
Ôm buồn khóc nghẹn đổ sầu đông ....

14.06.2016 Giang Hoa



Tiếng Gọi Chồng...
họa thơ Giang Hoa: Giỗ Chồng

Khắc khoải trăng sương tiếng gọi chồng
Đỗ quyên đom đóm khóc bèo rong
Dòng sông ảm đạm chiều tang tóc
Sóng biển hoang vu sáng tủi lòng
Nức nở năm canh ly rượu đắng
Bàng hoàng sáu khắc giọt sầu đông
Hàng phong vi vút buồn trong gió
Hồn ngược thời gian kiếp bạc vong…
14.6.2016 Lu Hà

Khác với người Âu Châu quan tâm nhiều đến ngày sinh nhật. Người Viêt Nam thì là ngày chết. Các nấm mồ trong các khu nghĩa địa ở Châu Âu tôi thấy người ta trồng rất nhiều hoa. Vào thăm nghĩa địa như lạc vào cõi thiên thai mộng ảo một công viên trần gian ngào ngạt hương sắc màu, còn Việt Nam cách đây vài chục năm thì xác xơ ngập cỏ. Còn bây giờ họ thi nhau xây dựng hoành tráng lắm.
Ngày xưa còn ở Việt Nam tôi thường nghe dân Hà Nội thời bao cấp vì quá thiếu thốn khổ cực nên hay bàn tán mơ ước: Cơm Tàu, vợ Nhật ở nhà Tây. Sau họ thêm vào là chết ở Việt Nam. Vì chết ở Việt Nam sướng lắm ma chay cúng giỗ linh đình. Ma thì được hưởng phần hương khói ăn hơi còn người thì ăn thật.
Cúng giỗ là một buổi lễ kỷ niệm ngày người mất qua đời quan trọng của người Việt, được tính theo Âm lịch. Ngày này là ngày để thể hiện tấm lòng thủy chung, thương xót của người đang sống với người đã khuất, thể hiện đạo hiếu đối với Tổ tiên. Nhà giàu thì tổ chức làm giỗ linh đình, mời người thân trong dòng họ, bạn bè gần xa, anh em bằng hữu về dự giỗ. Nhà nghèo thì chỉ cần lưng cơm, đĩa muối, quả trứng, ba nén nhang, một đôi nến và vài món ăn giản dị cúng người mất cũng đã có lòng Thành kính đối với người đã mất. Lòng thủy chung, thương xót người đã khuất chỉ phụ thuộc vào việc con cháu phải nhớ ngày người mất để làm giỗ, không liên quan đến việc làm giỗ lớn hay nhỏ.
Tôi lại nhớ tới ngày Mẹ tôi ra đi, cách đây mấy năm nhất là ngày giỗ sau 49 ngày linh hồn Mẹ tôi đã chính thức biền biệt vào cõi xa xăm ở nơi vĩnh hàng hay đã qua cầu Nại Hà để chờ dịp đầu thai?
Nhưng tôi cứ thẩn thơ nghĩ mãi tự trách mình là đưá con chả ra gì? Bởi vì ngày giỗ mẹ, mà chẳng làm mâm cơm cúng bái gì theo tục lệ như ở Việt Nam. Chỉ gửi một số tiền về mai táng là xong thôi ư? Thực ra mẹ tôi sống đến 85 tuổi cũng là thượng thọ lắm rồi, chứ có phải chết non đâu mà nuối tiếc ân hận với đời?
Hôm nay đọc bài thơ “ Giỗ Chồng “ của nữ sĩ Giang Hoa, tôi lại nhớ tới ngày giỗ Mẹ của tôi mà lòng tôi vẫn cứ áy náy mãi không yên, nên mới muốn chuộc lại lỗi lầm hương khói bằng cách làm một bài thơ và viết câu chuyện kể về cuộc đời của mẹ để tạ tấm lòng yêu thương ,công ơn mẹ nuôi tôi vất vả và cũng muốn lưu lại hình bóng một thời của mẹ trên quán trọ trần gian giả tạm này.
Tôi không phải là một Phật Tử thuần thành, công giáo thì cũng chỉ là loại thoang thoảng hoa nhài. Vậy niềm tin cuả tôi là gì? Tôi cũng không chắc chắn lắm mà chỉ tạm nghĩ rằng: con người ta sinh ra mỗi người có một nguyên thần khí, được tồn tại ở các vùng không gian khác nhau.
Những người thiên chúagiáo, như công giáo, tin lành và đạo hồi tin có Đức Chúa trời, sau khi chết đi thì linh hồn dời thể xác và trở về trời dự tiệc với Chúa và các thần linh. Nghiã là linh hồn tồn tại bên trong thể xác và ai cũng chỉ được sinh ra có một lần và không hề có tái sinh, chết là hết. Một là anh được lên thiên đàng hai là thân xác anh thối rữa ra làm thức ăn cho giun dế, phân bón cho cỏ cây.
Còn Phật Giáo không tin có linh hồn nào cả, không có phần bên trong ẩn náu, trường tồn nào của chúng sinh. Không có linh hồn nhưng sự tái sinh hay luân hồi vẫn sảy ra giống như một ngọn nến sắp tàn thì có người dùng ngọn nến mới châm tiếp…Cái đó gọi là sự liên hệ nhân duyên. Tôi ngẫm nghĩ cho rằng: Nguyên thần khí cuả mỗi người gọi là giác linh. Giác linh là tổng nghiệp của nhiều kiếp trôi nổi ngụp lặn trong 6 nẻo luân hồi. Sống kiếp này biết được kiếp trước mình làm gì và tiên đoán cho cả kiếp sau nữa. Người nghiệp lực quá nặng nề còn tham ái, sân, si hoặc nhiều tội lỗi thì giác linh không tiêu tan để sinh vào thế giới cực lạc, thế giới của trời, thậm chí không đưọc đầu thai làm người nữa, có khi nghiệp lực dẫn đường đầu thai vào kiếp ngạ quỷ, súc sinh v.v... hoặc bị đày ải dưới chín tầng điạ ngục?
Tại sao ở Việt Nam có tục lệ giỗ 49 ngày? Như trong sách Phật hình như đã giải thích sau khi người ta chết kẻ thì được Phật Di Lạc và các vi La Hán đón rước đi thẳng ngay về thế giới tịnh độ, người thì bị vua Diêm Vương cho sai nha đón sẵn và giải về Diêm phủ luận công tôị, họ phải trải qua 7 phòng xét hỏi, mỗi phòng câu lưu là 7 ngày. Tổng cộng là 49 ngày chăng?Hay 49 ngày này giác linh người chết vẫn còn lưu luyến quang cảnh căn nhà mình đã từng sống và còn nhớ thương con cháu đưá khá đưá hèn mà không chịu tiêu tan? Nên con cháu họ mạc mới bảo nhau 49 ngày này 7 tuần liên tục cầu siêu, động viên linh hồn đầu thai, đừng lởn vởn nưã mà gặp quỷ sứ cuả Diêm Vương đến bắt?
Từ lâu lắm rồi, tôi còn bé lắm còn nhớ mang máng mẹ tôi là một cô thôn nữ xinh đẹp nhất làng. Nhà tôi là một mái nhà tranh chỉ có một gian và một cái bếp liền đó, mà ông tôi dựng cho hai mẹ con ra ở riêng, phiá sau nhà là một mảnh vườn tương đối rộng quanh năm chỉ thấy trồng miá, Gióng miá to bằng cổ tay màu tim tím hồng mẹ tôi bảo là miá Tư Hoà. Lúc thì lại thấy trồng giống miá phát triển nhanh như cỏ lau thì mẹ gọi là miá de chuyên để nấu mật và làm đường. Phiá trước nhà là 4 cây na, rất sai qủa không biết trồng từ lúc nào; khi đã lẵm chẫm biết đi thì đã có nó ở đó rồi. Hiên nhà là một cây bưởi tôi hay nhặt hoa cùng với con bé Thu bên nhà hàng xóm nhặt để nấu nước hoa…


Lòng Mẹ Thương Con
Nhân ngày giỗ 49 Ngày

Mẹ đi đã bốn chín ngày
Con nơi viễn xứ đắng cay bơ phờ
Nhớ thương vót bút làm thơ
Nét chì phảng phất vẩn vơ đất trời

Tám lăm trụ thế rã rời
Còn đâu bóng mẹ mảnh đời trần côi
Nguyên thần thể khí xa xôi
Không gian vắng lạnh buồn trôi lệ tràn

Mẹ như chiếc lá trên ngàn
Tháng năm vò võ trăng tàn nắng mưa
Sương pha cát bụi dãi dầu
Nỗi niềm cố quốc úa màu cỏ phơi

Bây chừ thần lạc chơi vơi
Tiêu tan trần tục biển khơi sa bà
Hay vào thế giới Phật Đà
Quan Âm Bồ Tát ngân hà thảnh thơi
Con còn trụ thế ở nơi
Gian nan hoạn nạn mẹ ơi còn nhiều...

Phong trần bể khổ tiêu điều
Sân si ái dục bao nhiêu linh hồn
Mênh mông như sóng nước cồn
Tình thương của mẹ bồn chồn lòng con

Hương lòng bay khắp núi non
Giác linh vời vợi trăng tròn mây trôi...!

17.4.2011 Lu Hà

Ngày Giỗ Mẹ giỗ Cha tuy tôi không hay làm cơm có chén nước qủa trứng gà nhưng tôi có tần ngần suy tư và làm thơ. Vì tôi là thi sĩ mà. Làm chút gì bút tích tạo nên dấu ấn tinh thần thay cho vật chất để cho linh hồn Cha Mẹ vui:


“Hôm qua là ngày giỗ cha
Lòng con băng giá lơ là thế sao?
Hôm nay trở lạnh sương mờ
Bên lò sưởi ấm làm thơ nhớ người

Gió đưa chiếc lá chơi vơi
Bay đi bay laị rã rời tình thâm
Tháng này tiền gửi âm thầm
Thay con nhờ mẹ mấy mâm gọi hồn

Xin cha thứ lỗi cho con
Ma chay cúng giỗ nguồn cơn giãi bày...
Thôi đành để khói hương bay
Gió thiêng cõi Phật cao dày gọi cha

Chư Tiên mách bảo cho ra
Cha con lạc lối Ngân Hà bơ vơ
Cửu tuyền địa phủ âm u
Ngày xưa công đức đời tu thế nào?

Công thành nghiệp quả ra sao
Cha con có được rước vào bồng lai?...”
Trích: Ngày Giỗ Cha mùa thu 2007 của Lu Hà

Mấy năm sau ngày mẫu thân tôi ra đi cũng vào ngày giỗ tôi cũng nhớ tới người:

Ngày Giỗ Mẹ

Ngày giỗ mẹ thiu thiu giấc ngủ
Vạn trùng dương ai điếu mê man
Trong mơ rẽ sóng mây ngàn
Ba năm sầu biệt khóc than sen vàng

Tám lăm tuổi dịu dàng đài các
Điệu nghê thường khúc nhạc gần xa
Hiền hòa dưới ánh trăng ngà
Vội vàng thăm hỏi nhạt nhòa mẹ ơi!

Vẫy tay gọi mỉm cười an ủi
Cõi trần gian thui thủi quê người
Hương lòng một nhánh xa xôi
Cỗ bàn chẳng có sương rơi nghẹn ngào!

Con nhớ mẹ cù lao chín chữ
Viết bài thơ nhắn nhủ tặng đời
Sông Thao dào dạt một thời
Nhà tranh vách nứa ngược xuôi bến đò

Đôi quang gánh thì thào mẹ dặn
Chợ đường xa ngoan ngoãn ở nhà
Bát cơm rau muống canh cà
Muối vừng lạc béo ông bà thím cô

Hợp tác xã cảnh nghèo tầm tã
Tổ đổi công lã chã mồ hôi
Con khôn con lớn nên người
Âu Châu xứ xở lệ rơi đôi hàng!

27.2.2014 Lu Hà



Cha Đã Đi Xa
cảm tác thơ Từ Bi: Ngày Cha Ra Đi

Xuân qua xuân lại vô thường
Chẳng buồn trông ngóng nỗi lòng xót xa
Nhuốm vàng nấm mộ nắng mưa
Gợi bao nỗi nhớ thương Cha dãi dầu

Cha đi... con đứng âu sầu
Mưa rơi vô vọng nghìn thu ưá tràn
Biển trời giọt lệ chưá chan
Hoà trong giấc mộng muôn vàn khổ đau

Buổi chiều con đến bên cha
Hoàng hôn nắng ửng chuông chuà ngân nga
Khói sương hiu hắt mịt mù
Không gian vắng vẻ âm u linh hồn

Lòng như biển dội sóng cồn
Trái tim tan nát lệ tuôn đôi dòng
Đời cha là một con sông
Âm thầm chảy mãi cõi lòng Cha ơi!

22.5.2012 Lu Hà


Sinh tử biệt ly buồn nhất vẫn là tình phu thê , phụ tử và mẫu tử. Tôi cũng  cảm xúc làm thơ khá nhiều về  đề tài này như  người Cha của anh Trần Trung Đạo, Mẹ của Jackie Lương  v. v….Và riêng cho người Mẹ hiền của tôi


Từ Nay Mẹ Mãi Đi Xa

Nửa đêm điện thoại reo vang
Tiếng ai nức nở ngỡ ngàng tim ta
Báo tin mẹ đã đi xa
Chiều tà khuất bóng Ngân Hà chơi vơi

Tám lăm trụ thế giữa trời
Cây sồi long gốc tả tơi bến bờ
Nuôi con bụ bẫm tuổi thơ
Làng quê heo hút sương mờ nỉ non

Gần ba mươi tuổi sinh con
Bỗng dưng mất sưã mẹ buồn thâu canh
Mẹ tôi búi tóc còn xanh
Ngược xuôi tần tảo thôi đành sớm trưa

Bố thì biền biệt hay chưa
Tháng năm đằng đẵng nắng mưa ứa trào
Nhà tranh vách nưá rì rào
Nước trôi đầu ngõ nghẹn ngào lệ tuôn

Sông Thao cuồn cuộn sóng cồn
Mẹ thường gánh nước đổ dồn vại chum
Lạc bùi vừng béo tôm hùm
Công cha nghiã mẹ tình thâm ông bà

Trùng dương dặm thẳm xót xa
Tiếng chuông rền rĩ ngân nga khóc thầm
Mẹ tôi thường gọi là bầm
Thắt lưng dải yếm cài trâm bóng tà

Gửi tiền cấp tốc về nhà
Anh em họ mạc gần xa quây quần...!
Cầu cho hồn phách tiêu tan
Đừng còn nuối tiếc dương trần khổ đau

Về miền tịnh độ trước sau
Phiêu diêu cực lạc bể dâu đoạn từ
Cam lồ Phật Quốc chân như
Sen lòng thơm thảo tâm tư mẹ hiền!

3.3.2011 Lu Hà










Nhân bài thơ "Giỗ Chồng" của nữ sĩ Giang Hoa tôi mới để tâm hồn tôi bay bổng mây gió phiêu diêu xa gần về cõi tâm linh triết thuyết tôn giáo và để tránh khỏi miên man tôi xin bình luận về giá trị nội dung và nghệ thuật hai bài xướng họa.
Bài họa của tôi lấy tiêu đề là:"Tiếng Gọi Chồng..."

Giang Hoa:
"Ngày nao tháng cũ thọ khăn chồng
Mộ đá bây giờ đã phủ rong"

Lu Hà:
"Khắc khoải trăng sương tiếng gọi chồng
Đỗ quyên đom đóm khóc bèo rong"


Người chồng thương yêu đã ra đi mấy năm, nên bây giờ mộ đá ướt lạnh rong rêu, hồn ở nơi đâu có nghe thấy chăng đêm trăng sương thanh vắng đom tóm bay lập loè tiếng quạ kêu sương tiếng chim Cuốc khắc khoải khản giọng như tiếng người thiếu phụ cô đơn gọi chồng, ngao ngán cho kiếp đời người trầm luân trôi nổi phù du ngắn ngủi bọt bèo....Thời gian mòn mỏi dòng châu suối lệ nữ sĩ Giang Hoa sử dụng rất khéo tạo nên hình ảnh tượng trưng cho sự đau khổ tột cùng. Muốn tả sự đau khổ không thể trong thơ đuờng vốn đã ít chữ mà cứ gào lên đau khổ toàn chữ là chữ mà chả thấy đau khổ ở đâu như người đời quen lối nói thậm xưng quá đáng  khi làm thơ.

Giang Hoa:
“Nguyệt tuế hờn ai hồn đẫm tủi
Trời khiên giận kẻ thắm đau lòng“


Lu Hà:
“Dòng sông ảm đạm chiều tang tóc
Sóng biển hoang vu sáng tủi lòng“


Nguyệt tuế hay tuế nguyệt chỉ thời gian năm tháng buồn thảm chia ly của linh hồn đẫm nước mắt giận cả trời đất gây ra cảnh ngộ đau lòng, dòng sông cũng ảm đạm một màu tang tóc, sóng biển dập vùi thủy triều lên xuống suốt năm canh quằn quại cho tới sáng đau lòng như tâm trạng nàng Kiều mất chồng mà cụ Tản Đà đã mô tả bằng 8 câu thi đuờng:

“Tiếng trống biên đình bốn phía ran.
 Tướng quân chi tiếc cái hoa tàn.
 Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng.
 Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan.
 Tổng đốc ví thương người bạc phận.
 Tiền Đường đâu đã mả hồng nhan.
 Bơ vơ nấm đất ven sông đó.
 Hồn có nghe chăng một tiếng đàn!“


Như bài thơ trên của cụ Tản Đà, theo tôi bốn mặt ran hay hơn bốn phía ran vì bốn mặt nhiều ý nghĩa thâm thúy hơn. Có lẽ bản gốc cụ Tản Đà dùng chữ mặt chứ không phải chữ phía? Cánh hoa tàn hay hơn cái hoa tàn. Vì cánh hoa tàn mang hình ảnh đàn bà diễm lệ dài các hơn. Tiền Đường đâu có mả hồng nhan mang nhiều kịch tính hơn dùng chữ đã. Tôi tin chắc nguyên bản gốc cụ Tàn Đà dùng chữ mặt và chữ có. Có thể người đời tự ý sửa hay chép nhầm chăng?
Hồn đã nghe chăng một giọng đàn. Tôi cũng nghĩ cụ Tản Đà dùng chữ giọng đàn chứ không phải tiếng đàn. Giọng đàn nghe vẫn đau thương hơn tiếng đàn.
Ai đó có thời gian truy tìm trong thơ Tản Đà lại xem bài vịnh Thúy Kiều có đúng như nhận xét của tôi không? Cũng có thể tôi sai, hay thiên hạ chép sai hiểu sai thơ cụ Tản Đà?

Còn bà huyện Thanh Quan thì:
“Tạo hoá gây chi cuộc hý trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.”

Giang Hoa:
“Nghiêng bầu hận tiếng cung trầm uẩn
Cạn tửu oan tình nghĩa sắc vong“

Lu Hà:
Nức nở năm canh ly rượu đắng
Bàng hoàng sáu khắc giọt sầu đông“

Nghiêng bầu nức nở hận nỗi dang dở cung đàn tình nghĩa vợ chồng phu thê nửa đường đứt gánh đi chưa hết đoạn đường dài hành hương cho tới đầu bạc răng long mà nay bỗng dưng chả kẻ ở người đi hun hút cách biệt cung đàn oan trái đoạn truờng sầu ly kẻ còn người mất không những suốt cả năm canh giờ buổii đêm kéo dài cả 6 khắc giờ ban ngày . Tất cả là một sự hụt hẫng bàng hoàng
bởi những giọt nước mắt như những hạt châu đông lại gía băng nơi mồ hoang cỏ lạnh và cả nơi phòng the cô phòng lẻ loi gió đông mùa đông mưa đông tầm tã... Lu Hà dùng chữ "sầu đông" qủa cũng đắt gía, hình ảnh ý nghĩa đấy ru cho bài thơ họa lại của mình cộng hưởng nỗi đau thuơng cùng với Giang Hoa?

Giang Hoa:
Gối lẻ hoang phòng rưng mắt lệ
Ôm buồn khóc nghẹn đổ sầu đông ....“

Lu Hà:
“Hàng phong vi vút buồn trong gió
Hồn ngược thời gian kiếp bạc vong…“


Giang hoa sử dụng  trong câu kết, còn Lu Hà thì hoán vị đổi vị trí sang câu luận. Làm thơ đường nếu cùng một câu không nên dùng lại chữ "sầu"  trừ vần "đông " trong bài họa lại của mình. Dùng lại sẽ mất gía trị của bài họa đi.Thơ đường xướng họa quả là khó thiệt. Mỗi chữ như một viên đá trong trận đồ bát quái như một con cờ trong một bàn cờ. Mã nhật tịnh điền xe liền pháo cách phải làu thông như niêm luật vậy, thế chưa đủ còn phải biết vận dụng hình ảnh cho đúng quy cách lấy cái tự nhiên bên ngoài mộ tả cái nội tâm thầm kín bên trong.

Gối lẻ tả nỗi lòng người thiếu phụ, hàng phong tả linh hồn cô đơn vi vút cuời trong gió mây, đẫm lệ suơng rơi trăng tàn nguyệt lạnh rền rĩ ngược thời gian tìm lại kỷ niệm xa xưa. Nhưng than ôi ngược thời gian chỉ có trong tâm linh cảm thấy mà thôi, còn thời gian mãi mãi chỉ có một chiều chảy xuôi vô tận cùng bao kiếp đời dâu bể tồn vong....Trơ ra cùng sỏi đá cỏ cây trăng sao vũ trụ kỷ hà...

15.6.2016 Lu Hà





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét